Sử dụng dịch vụ thông minh đang trở thành xu hướng tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, y tế thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 còn chưa phổ biến nhưng được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các công ty khởi nghiệp lĩnh vực y tế công nghệ cao nghiên cứu phát triển, cung cấp nhiều giải pháp thông minh ra thị trường.
Trong tổng thể quá trình tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số y tế, chương trình Chuyển đổi số Y tế Quốc gia – Ehealth Vietnam Summit 2020 diễn ra vào ngày 29-30/12/2020 được coi là điểm sáng Việt Nam năm 2020. Chương trình hứa hẹn là một diễn đàn cấp cao để gặp gỡ, trao đổi, đưa hình ảnh doanh nghiệp và thương hiệu công nghệ thông tin y tế tới lãnh đạo Chính phủ, các Cơ quan Báo chí và các Tổ chức Doanh nghiệp lớn, kết nối đầu tư.
Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam trao đổi cùng chuyên gia Nguyễn Thy Nga
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Để đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực y tế kể từ năm 2012, Cục công nghệ thông tin Bộ Y tế được thành lập với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước và tham mưu cho Bộ trưởng về những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế, vậy trong quá trình triển khai có những khó khăn, vướng mắc và thuận lợi gì?
Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam: Cục Công nghệ thông tin được thành lập vào ngày 20/10/2012, tính đến nay đã được 8 năm – quãng đường chưa dài nhưng cũng không ngắn cho một đơn vị mới thành lập quản lý về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Theo các chuyên gia đánh giá, công nghệ thông tin trong y tế là lĩnh vực đặc thù, khó nhất so với các ngành nghề khác, bởi nó liên quan gián tiếp đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng y tế. Cùng với đó Nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cộng đồng góp phần định hướng và hỗ trợ phát triển y tế. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng mang lại những cơ hội mở cho ngành Y tế, người dân đã dần quen với việc sử dụng các dịch vụ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong ngành, các khối bệnh viện, các chuyên gia trong nước, Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế đã tham mưu giúp Bộ có những chỉ đạo, định hướng hướng đi chuyển đổi số y tế hiệu quả hơn.
Ảnh Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cũng có những khó khăn nhất định. Y tế là một ngành có phạm vi rộng. Nhìn từ hệ thống chính trị, mô hình hệ thống ngành y tế có 4 cấp: Trung Ương, tỉnh, huyện và trạm y tế, thậm chí đến y tế thôn bản. Về quá trình chăm sóc sức khỏe, y tế theo suốt một đời người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Bởi vậy, khó khăn trước mắt đến từ sự không đồng bộ. Các đơn vị Trung Ương có thế mạnh về điều kiện nguồn lực, hạ tầng, địa lý dễ dàng triển khai tốt ứng dụng công nghệ thông tin. Còn các đơn vị y tế cấp huyện, xã không có được những ưu thế đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ trở nên khó khăn hơn. Những khó khăn đó dẫn đến sự không đồng bộ chuyển đổi số ở các bệnh viện.
Thứ hai, công nghệ thông tin trong y tế vẫn là một bài toán khó. Trong khi công tác khám, chữa bệnh diễn ra hàng ngày, trường hợp triển khai gặp trục trặc, khó khăn, vô hình chung sẽ tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăm sóc, khám, chữa bệnh của các đơn vị.
Thứ ba, về nguồn lực tài chính. Bước đầu tư ban đầu cho ứng dụng công nghệ bao giờ cũng rất lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí tương đương, trong khi nguồn ngân sách hiện nay cho y tế vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn đến đầu tư manh mún, dàn trải, không tập trung và thiếu đồng bộ ở các đơn vị chăm sóc sức khỏe.
Thách thức lớn nhất khi ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế đó là về nguồn nhân lực. Một sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung cần thời gian dài công tác trong các đơn vị y tế mới có thể hiểu được tính chất, nhiệm vụ cũng như triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Khái niệm về phòng công nghệ thông tin hầu như chỉ có tại các bệnh viện tuyến Trung Ương và các bệnh viện có quy mô giường bệnh lớn. Còn đối với các bệnh viện tuyến huyện, xã chỉ có các tổ bộ phận công nghệ thông tin. Những người đang thực hiện điều hành công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ hiện nay, chủ yếu chỉ hiểu về công nghệ thông tin chung, không chuyên sâu về công nghệ thông tin y tế, đa phần là trình độ cao đẳng và số ít có trình độ đại học. Với đặc thù công việc bận rộn ứng dụng công nghệ thông tin ban đầu sẽ tạo ra khó khăn với đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ lớn tuổi.
Hệ thống y tế của chúng ta hiện nay có 14000 cơ sở y tế, trong đó có gần 2000 trạm y tế – đơn vị có hạ tầng công nghệ thông tin yếu và sự hạn chế về số lượng cán bộ dẫn đến hạn chế trong đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin. Đấy là tổng quan những vấn đề trước mắt mà ngành y tế cần giải quyết.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng rất vinh dự nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như Đảng và Nhà nước, đặc biệt là quy định 749 của Chính Phủ về chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Bộ Y tế cũng triển khai một số hoạt động.
Trước mắt là tổ chức chương trình, hội thảo xin ý kiến các chuyên gia về xây dựng chuyển đổi số y tế. Cuối năm nay, lãnh đạo Bộ đồng ý cùng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia, cụ thể vào ngày 29-30/12/2020 tại Văn phòng Chính phủ và Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đây cũng là một diễn đàn cấp cao và tập trung hội tụ nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế cũng như cán bộ của ngành y tế để cùng trao đổi, chia sẻ đưa ra các giải pháp, vấn đề tiến tới số hóa hệ thống dữ liệu trong ngành y tế và triển khai cái chuyển đổi số thành công trong tháng tới.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Vâng, trong tổng thể chuỗi chương trình, chương trình Chuyển đổi số Y tế quốc gia, dự kiến là chương trình điểm sáng Việt Nam 2020, có vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình lan tỏa truyền thông để mọi người hiểu rõ hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế?
Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam: Thời gian qua, đại dịch toàn cầu Covid – 19 đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Ngành y tế phải gồng mình trong phòng, chống dịch. Nhưng cũng qua đó, vai trò của công nghệ thông tin được khẳng định. Không chỉ trong phòng chống dịch mà còn giúp duy trì các hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo phát triển xã hội.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục công nghệ thông tin Bộ Y tế đã tham mưu cho ban lãnh đạo Bộ một số chương trình, chính sách hướng tới nền y tế thông minh. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện cần phải có cái nhìn tổng quát, có thiết kế tốt. Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong chuyển đổi số của ngành y tế. Tránh tình trạng đầu tư công nghệ thông tin thụ động, thiếu đồng bộ. Chuyển đổi số yêu cầu chuyển đổi toàn diện, tạo ra một quy trình mới ứng dụng công nghệ mới để hướng tới kết quả tối ưu. Để làm được điều đó, cần số hóa toàn diện, điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn,… các nên công nghệ cao để từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Vâng, với vai trò là đơn vị phối hợp đồng tổ chức với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, V-startup cũng mong muốn và quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực y tế. Vậy ông có thể chia sẻ thêm một số thông tin cũng như vai trò quan trọng của hợp tác công – tư trong chuyển đổi số y tế quốc gia?
Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam: Để tiến tới thành công trong chuyển đổi số y tế quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước và các đơn vị trong ngành, không riêng gì trong khối cơ quan nhà nước mà ở cả các khối tư nhân và các doanh nghiệp phải cùng tham gia. Đây là điểm chính trong quyết định chuyển đổi số quốc gia: kinh tế số. Trong y tế, quản lý kinh tế y tế cũng vô cùng quan trọng. Bởi vậy, trong thời gian tới, Cục CNTT Bộ Y tế muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế y tế số. Theo đó, ngoài nguồn lực của ngân sách nhà nước, Cục rất mong muốn có được sự đồng hành của các đơn vị khối tư nhân. Cục sẽ tham mưu với Bộ về một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ. Cục rất kỳ vọng vào các startup đưa ra những sáng kiến, tiện ích cho một nền y tế thông minh trong tương lai. Bước đầu Cục kết hợp với V-startup, với hy vọng cùng các đơn vị khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin cùng đồng hành với Bộ Y tế, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, góp phần thành công trong chuyển đổi số y tế quốc gia.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm tải bệnh viện, trong đó điểm quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bệnh án điện tử và giải pháp y tế từ xa.
Trong năm qua, mặc dù phải gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid-19 có sức lây lan chóng mặt, song ngành y tế Việt Nam xem đây là cơ hội để chuyển mình, có những bước tiến xa hơn trong hành trình chuyển đổi số. Mặt khác, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao, chất lượng và trải nghiệm dịch vụ được quan tâm hàng đầu. Công nghệ thông tin đã cho một cái nhìn khác, bù đắp những thiếu sót và thúc đẩy cải thiện chất lượng và mức độ ở các dịch vụ y tế. Sức khỏe là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội, là biểu tượng quan trọng của thịnh vượng quốc gia, dân tộc, là mục tiêu chung của đông đảo quần chúng nhân dân. Do vậy, chuyển đổi số y tế không chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn mà còn mang lại lợi ích lâu dài về sau. Đây cũng là một thị trường tiềm năng cho các startup phát triển về công nghệ thông tin trong y tế.
Thông tin Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia – Điểm sáng Việt Nam 2020
Chi tiết chương trình xin vui lòng liên hệ: https://ehealthvietnamsummit.com.
Liên hệ nội dung: Cục kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ, Cục công nghệ thông tin Bộ y tế, Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup.
Tham gia triển lãm, quảng bá truyền thông xin mời liên hệ đơn vị truyền thông tổ chức sự kiện Thiên Lộc. Email: support@ehealthvietnamsummit.com, hotline 0929994929
(ms Tâm Anh).
Đơn vị Chủ trì: Bộ Y tế & Văn phòng Chính phủ,
Đơn vị Tổ chức: Cục kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ , Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup, Thiên Lộc Communication
Bài và ảnh: Ehealthvietnamsummit.com