Chuyển đổi số Y tế: “Người dân cần gì ở chúng ta?”

Ehealthvietnamsummit – “Mục tiêu lớn nhất cuối cùng là chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn trong điều kiện kinh phí để phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân Việt Nam thấp hơn nhiều các nước. Bài toán chúng ta đặt ra, bây giờ nói y tế thông minh hay chính phủ thông minh, bệnh viện thông tinh, nhiều thứ hệ thống thông minh phải nghĩ nhưng thứ đầu tiên phải nghĩ làm sao ít tiền thế làm được việc, đấy là thứ thông minh nhất. Chúng ta phải đi từ việc rất chi tiết và cụ thể. Người dân cần gì ở chúng ta? ” Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại phiên toàn thể Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia ngày 30/12.

 Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số Y tế với những trăn trở trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân

Phó Thủ tướng đặt đề bài cho ngành y tế phải làm sao để tất cả các nhu cầu thiết yếu của người dân ở mọi đối tượng đều được tư vấn tự động để người dân phòng bệnh và biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân.

“Chúng ta phải nhằm vào yêu cầu rất cụ thể của người dân, nhất là từ 2021 liên thông y tế toàn quốc. Người dân muốn đăng ký khám chữa bệnh thì đến nơi nào phù hợp, thậm chí bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp. Một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng rất lớn, rất thiết thực với người dân“, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cùng với việc khai trương hơn 1000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa, tư vấn từ xa, liên thông bệnh viện toàn quốc tới đây người dân mong muốn được tư vấn khám chữa bệnh từ xa bởi các bác sỹ mà người dân tin tưởng nhất.

Người dân cũng cần thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp, nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống đều được biết bác sĩ, cơ sở y tế đến khám là phù hợp.

“Làm sao cho người dân tin, đừng như xưa, người dân không tin mới kéo lên tuyến trên cùng. Giờ chỉ có bằng công nghệ mới làm được”, Phó Thủ tướng nói.

Trích Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế

“Người dân còn cần gì nữa?”, Phó Thủ tướng tiếp tục đề cập đến mong ước của người dân là được quản lý sức khỏe, có một bác sỹ riêng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm đưuọc điều này bằng cách lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân và ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cũng cần sửa đổi cho hoạt động thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc.

“Thứ tư, người dân rất cần thầy thuốc, ngoài câu chuyện phân phối thuốc tuyến trên với tuyến dưới không chênh nhau rồi, người dân cần mua thuốc theo đơn một cách thuận lợi, thuốc không theo đơn phải được tư vấn. Khi đã mua thuốc, giá, chất lượng, xuất xử phải minh bạch, đảm bảo.” Phó Thủ tướng nhấn mạnh về mong muốn của người dân.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, giá thuốc của Việt Nam so với các nước ASEAN đã rẻ nhất, cách đây 10 năm trước thì giá thuốc của Việt Nam đắt thứ 2, cách đây 2 năm rẻ thứ 2. “Năm nay các tổ chức nói với tôi đã rẻ nhất ASEAN và tỉ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở các nước trong khối là 7%, còn ở Việt Nam chỉ là 2%. Đây là theo khảo sát của các tổ chức quốc tế, không phải tự chúng ta. Làm sao tạo điều kiện người dân mua đơn thuận lợi”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với những căn bệnh mới về tâm lý, sức khỏe tâm thần, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng không chỉ đơn giản là điều trị y tế mà cần sự kết hợp với nhiều chuyên ngành, cơ chế, chính sách khác thì mới có thể cải thiện sức khỏe cho người dân.

Từ những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong chuyển đổi số ngành y tế, có những khâu, những việc phải làm từ dưới lên, hoặc cả từ trên xuống nhưng điều quan trọng nhất là yêu cầu tự đổi mới, bước qua lợi ích cục bộ của mỗi đơn vị, thậm chí từng cá nhân, “vì thế tư duy chỉ đạo là gương mẫu từ trên xuống”.

Bài và video: Ehealthvietnamsummit.com

Ảnh: LeCerne Creative

Để lại bình luận