Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động mạnh mẽ đến từng ngành nghề, từng con người như hiện nay thì chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng chung của thế giới. Vậy ngành y tế đã và đang thay đổi ra sao để theo kịp bước tiến của thời đại ?
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến quá trình số hóa trong quản lý thuốc men, thiết bị, dịch vụ và cả mô hình vận hành hệ thống y tế thay vì con người. Giờ đây, khi vào các cơ sở y tế, sự đồng bộ thông tin giữa các khâu khiến chúng ta chỉ mất một thời gian ngắn để hoàn thiện thủ tục khám chữa bệnh, và việc chẩn đoán, điều trị được dựa trên kết quả phân tích dữ liệu đã được dự đoán từ trước.
Vài nét về lý do cần chuyển đổi số y tế
Những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy sự gia tăng đột biến của dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu. Nhắc đến theo yêu cầu, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến đến những khách hàng muốn dịch vụ theo ý của họ, vào thời gian của họ và ở bất cứ đâu. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang bước vào kỷ nguyên đổi mới kỹ thuật số, khi bệnh nhân tìm đến vì lịch trình bận rộn của họ, giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu nhiều người dân tiếp cận dễ hơn với dịch vụ y tế, đồng thời cũng là giải pháp khắc phục tình trạng quá tải trong hệ thống y tế Việt Nam, khi mà bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi cần thiết, bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi, giảm bớt gánh nặng nguồn nhân lực y tế, giảm tải trong khâu quản lý và vận hành. Quan trọng hơn chất lượng y tế được nâng cao rõ rệt. Điều này đã làm cho chủ đề chuyển đổi số trở thành ưu tiên chiến lược cốt lõi cho ngành y tế.
Những bước tiến của Y tế Việt Nam trong chuyển đổi số
Cách đây hai năm, Chính phủ đã bắt đầu lên kế hoạch về Chuyển đối số quốc gia với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và trí thức trong và ngoài nước. Theo lộ trình, năm 2020 sẽ là năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và quá trình này đang thực hiện một cách rất mạnh mẽ và khẩn trương khi Việt Nam bước vào trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19. Từ những bài học trong đại dịch COVID-19, chúng ta có thể dự đoán Chuyển đối số và AI sẽ tạo ra những thay đổi nào trong ngành y tế Việt Nam trong tương lai?
Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2018, 100% bệnh viện trên cả nước đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS). 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phục vụ giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Cả nước có gần 11.200 trạm y tế (chiếm 99% tổng số trạm y tế cả nước) và 2.300 cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng dịch vụ sử dụng hệ thống quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân. Trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý nhờ việc hình thành hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước.
Đáng mừng hơn là một loạt các ứng dụng được thử nghiệm hay áp dụng trên thực tế nhờ những thành quả của cuộc CMCN 4.0, như: Công nghệ in 3D; Phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); Phần mềm kết nối các máy xét nghiệm (LIS); Hệ thống phần mềm hỗ trợ chẩn đoán bệnh, hình ảnh với trí tuệ nhân tạo; Hệ thống phẫu thuật robot; Hệ thống công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (y khoa từ xa/bệnh viện vệ tinh), cho phép các bệnh viện, bác sĩ trao đổi thông tin về bệnh nhân qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn hoặc tập huấn từ xa; …
Nhiều bệnh viện đã triển khai đưa công nghệ vào chăm sóc y tế từ rất sớm
Năm 2019, ngành y tế Việt Nam tiếp tục có thêm những bước đột phá mới với việc triển khai thí điểm bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy tại một số bệnh viện từ tháng 3/2019, giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện…
Thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong năm 2019, Bộ Y tế còn triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR) tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho phép các cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu đều có thể tra cứu đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người bệnh, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng sử dụng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh (ID), làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện.
Bước sang năm 2020, mặc dù phải gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid-19 có sức lây lan chóng mặt, song ngành y tế Việt Nam xem đây là cơ hội để chuyển mình, có những bước tiến xa hơn trong hành trình chuyển đổi số với một loạt những ứng dụng mới.
Nhằm hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, vào tháng 4/2020, Việt Nam đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa, đáp ứng 6 lĩnh vực gồm: Tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn KCB từ xa, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa. Nhờ đó, hệ thống KCB từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế đồng loạt được thực hiện, giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện hay giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, qua đó tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua nhiều hình thức hoặc tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Nền tảng số này không chỉ giải quyết các vấn đề của Covid-19 mà còn giúp thay đổi cả hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam, giúp nâng cao chuyên môn các bệnh viện tuyến huyện, xã.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai giải pháp ứng dụng Bluezone áp dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy) trên các điện thoại thông minh, giúp cơ quan y tế có thẩm quyền theo dõi và cảnh báo người thuộc nhóm tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.
Bluezone đem lại hiệu quả cao trong kiểm soát tình hình covid 19
Mới đây, sau hơn hai tháng triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh (KCB). Bộ Y tế là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu đến năm 2025 có 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Sự tham gia của các ông lớn trên thế giới, Doanh nghiệp Việt liệu có bùng nổ?
Công nghệ y tế là ngành tiếp theo được hưởng lợi từ xu thế này, dự kiến đạt 280,25 tỷ USD vào năm 2021. Thị trường đã chứng kiến nhiều ông lớn trong ngành công nghệ tham gia như Apple đang hợp tác với Health Gorilla để thêm dữ liệu chuẩn đoán vào iPhone. Một số công ty công nghệ khác chọn việc sáp nhập với các công ty trong ngành dược để tạo áp lực lên các đối thủ truyền thống.
Điển hình như Grab, gần đây đã hợp tác với Ping An Good Doctor, nền tảng y tế điện tử Trung Quốc nhằm cung cấp dịch chăm sóc sức khỏe trực tuyến ở Đông Nam Á. Cả hai cung cấp các dịch vụ y tế tích hợp như tư vấn y tế, giao thuốc và đặt lịch hẹn bác sĩ. Tương tự, Go-Jek cũng tích hợp HaloDoc, nền tảng bác sĩ tư vấn trực tuyến của Indonesia. Amazon mua chuỗi nhà thuốc trực tuyến Pill Back, Alibaba đầu tư vào công ty dược phẩm địa phương.
Nhóm các công ty cung cấp dịch vụ bảo mật cũng được hưởng lợi, khi dữ liệu trong ngành y tế ngày càng quan trọng hơn.
Ở Việt Nam, vẫn còn sớm để cảm nhận trực tiếp các thay đổi và tác động của việc số hóa ngành y tế đến các ngành khác, nhưng rõ ràng, với áp lực chi trả của hệ thống y tế và quyết tâm của lãnh đạo, vấn đề chỉ là thời gian.
Nguồn: Sưu tầm