Bệnh viện Việt Đức áp dụng thành công hệ thống khám chữa bệnh từ xa

Nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa lần đầu tiên được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trực tiếp tư vấn khám chữa bệnh, đưa ra hướng điều trị tốt nhất mà không cần phải lên các bệnh viện tuyến trên nhờ sự tiện ích của hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Một buổi tư vấn, giảng dạy của bệnh viện Việt Đức

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là bệnh viện đầu tiên trong cả nước có ý tưởng về việc lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Trước đó, bệnh viện Việt Đức luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân do số lượng bệnh nhân từ các tuyến tỉnh dồn về rất lớn. Bởi vậy, bệnh viện Việt Đức đã làm đề án đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự án gọi là bệnh viện vệ tinh. Đây là dự án kết nối y học từ xa, khám chữa bệnh từ xa với đầu cầu là bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện vệ tinh.

Đi vào hoạt động từ 2004, đến năm 2006 lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam đã thực hiện thành công một ca truyền hình trực tiếp tư vấn phẫu thuật giữa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng thực hiện ca mổ nội soi và gắp túi mật.Các giáo sư, bác sĩ ở tại đầu cầu bệnh viện Việt Đức đã tiến hành tư vấn về cách thức mổ, vấn đề gây mê hồi sức.

Cho đến nay, bệnh viện Việt Đức với vai trò là bệnh viện hạt nhân đã kết nối với 24 bệnh viện vào hệ thống tư vấn phẫu thuật từ xa, tập trung vào 4 chuyên khoa: Chuyên khoa ngoại chấn thương, chuyên khoa sản, chuyên khoa ung bướu và chuyên khoa nhi. Và cũng đã có hơn 110 bệnh viện tham gia vào hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa, trong đó có cả những bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa; các bệnh viện dân y, quân y; bệnh viện công và bệnh viện tư…

GS.TS Bsi Trần Bình Giang – giám đốc bệnh viện Việt Đức chia sẻ:”Nếu như trước đây các thầy thuốc, đồng nghiệp của chúng ta và người bệnh các vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện huyện thì chỉ nghe đến tên của các giáo sư, các thầy thuốc của bệnh viện Việt Đức, có khi cũng không bao giờ biết mặt. Nhưng bây giờ thì người bệnh ở Sốp Cộp, Sơn La, những người bệnh Mù Cang Chải, Yên Bái, những người bệnh ở trên Đồng Văn, Hà Giang hoặc ở Hướng Hóa, Quảng Trị… Trong vụ mùa lũ vừa rồi, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp về y tế cho Quảng Trị thì lập tức kết nối được hệ thống truyền hình này, có thể trao đổi trực tiếp với anh em. Và như vậy thì nó xóa nhòa khoảng cách địa lý và những người bệnh ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể được khám, được tư vấn bởi những thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành trong cả nước.”

GS.TS Bác sĩ Trần Bình Giang

Theo ông Trần Bình Giang, từ khi bắt đầu đến nay bệnh viện đã triển khai hơn 600 buổi truyền hình trực tiếp về đào tạo, hội chẩn những ca bệnh khó. Đồng thời cũng làm những trường hợp hội chẩn các ca bệnh cấp cứu. Nhờ những buổi tư vấn truyền hình trực tiếp, đã có khoảng hơn 70000 thầy thuốc ở các địa phương nhận được sự đào tạo chuyển giao.

Bệnh viện không chỉ chú trọng vào các cuộc phẫu thuật mà còn đào tạo thêm về kiến thức điều dưỡng. Các chuyên gia về điều dưỡng sẽ trao đổi về cách chăm sóc người bệnh, kết hợp với các thầy thuốc, bác sĩ như thế nào.

Trong tình hình dịch bệnh covid 19, bệnh viện Việt Đức vẫn có thể dễ dàng duy trì các lớp học trực tuyến, vẫn đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh. Đảm bảo sự cân bằng lượng bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên – tuyến dưới. Bởi vậy, đây là một mô hình hoạt động cần được quan tâm mở rộng hơn nữa.

Một số hình ảnh thêm về buổi tư vấn hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa của bệnh viện Việt Đức:

Bài và ảnh: ehealthvetnamsummit.com

Để lại bình luận