Xây dựng chương trình chuyển đổi số trong ngành y tế đến 2025, định hướng 2030

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Y tế, hôm nay, tại TP. Cần Thơ, Cục Công nghệ thông tin tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, khu vực phía Nam.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và Cán bộ phụ trách CNTT một số tỉnh, TP. phía Nam; đại diện Lãnh đạo và Cán bộ phụ trách CNTT một số Bệnh viện trực thuộc Bộ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh/Thành phố phía Nam; Đại diện một số Doanh nghiệp CNTT FPT, IBM, Medcomm, Medpro, Savis, GE Healthcare, ComQ,  VietInfo, TD Medical Company,… và đại diện của Đại sứ quán Anh đã đến dự Hội thảo này trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam về thúc đẩy y tế số phát triển.

Chủ đề chính của Hội thảo tập chung vào các nội dung về chuyển đổi số y tế trong quản trị y tế, bệnh viện, dự phòng và lĩnh vực liên quan.

Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Công nghệ thông tin – Bộ Y tế cho biết:

Nhằm phát huy vai trò của CNTT và những cơ hội do kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách sáng suốt và kịp thời, tạo điều kiện cho CNTT phát triển. Sự cố gắng của toàn ngành y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bàn bè quốc tế, việc ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, đặt nền móng cho sự chuyển đổi số trong ngành y tế trong thời gian tới. Một số thành tựu bước đầu về ứng dụng CNTT y tế như sau:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin y tế

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tăng cường quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT) y tế; Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành hành lang pháp lý đểchuyển đổi số trong ngành y tế, bao gồm: Thông tư quy định về hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư về hoạt động y tế từ xa; Thông tư quy định Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên có một thông tư tương đối đầy đủ để chuyển đổi số hóa cho hoạt động của một đơn vị cụ thể.

2. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số

Bộ Y tế đã chú trọng xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn Tier2 trở lên; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia;

3. Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện

Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, một số bệnh viện đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thể thay bệnh án giấy (như bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa khu vực An Giang, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Thành phố Vinh, Sản Nhi Quảng Ninh), có 20 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện.

Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa – telemedicine, kết nối vạn vật y tế – IoMT. Ngành y tế xây dựng dự án Telemedicine từ các bệnh viện hạt nhân đến các bệnh viện vệ tinh (BV Bạch Mai với 11 bệnh viện vệ tinh, BV Việt Đức với 7 bệnh viện vệ tinh).

4. Thực hiện thành công kết nối các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội thành công, góp phần thực hiện giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Đến nay đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

5. Ứng dụng CNTT trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và tiến hành xây dựng triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại một số tỉnh như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ…. .

Bộ Y tế cũng đã triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý; ngân hàng thuốc điện tử; cổng dữ liệu bản đồ số các cơ sở y tế Việt Nam; các App hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng,…

6. Ứng dụng CNTT trong quản trị y tế

Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố hoàn thành 100 DVC trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC, là Bộ, Ngành đầu tiên hoàn thành việc này.

Hệ thống thống kê y tế điện tử: 35/63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn sử dụng phần mềm; 27 tỉnh/thành phố đã nhập số liệu chính thức vào phần mềm.

Để có được kết quả bước đầu của việc UDCNTT Y tế ở Việt Nam, toàn ngành đã thực sự nỗ lực vươn lên tiếp cận khoa học công nghệ và CNTT, sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp CNTT trong cả nước, đồng thời chúng ta cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ của bè bạn quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới và Vương quốc Anh.

Như chúng ta đã biết Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của đơn vị, doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một đơn vị, doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Chuyển đổi số trong y tế hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả.

Chuyển đổi số hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, giúp người dân được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, có chất lượng cao và thuận lợi hơn; tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị; góp phần giảm quá tải bệnh viện, xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân. Quản lý, khai thác thông tin bệnh viện nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện.

Chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc, tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa, giúp cho hệ thống y tế Việt nam dễ dàng liên thông, hội nhập với thế giới.

Chuyển đổi số, hình thành hệ thống y tế thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Một số nội dung chính của chuyển đổi số y tế:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật

Bộ Y tế tiếp tục xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật về công nghệ thông tin y tế, tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi số trong ngành.

2. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế  

Phát triển trung tâm dữ liệu y tế quốc gia bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế.Thống nhất, tập trung đầu mối thu nhận thông tin y tế ở Cục CNTT để hình thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia.

3. Chuyển đổi số trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh

Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, theo chỉ tiêu của Nghị quyết số 20 của BCH trung ương, phấn đấu đến năm 2025 quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95% dân số. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đang chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh lộ trình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sớm nhất có thể.

Tin học hóa hoạt động trạm y tế; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS; Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa.

4. Chuyển đổi số trong bệnh viện

Để có cơ sở pháp lý chuyển đổi số trong bệnh viện, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.

Để đảm bảo tính khả thi, Bộ Y tế xây dựng lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn:  Giai đoạn từ năm 2019 – 2023 tất cả các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử (135 bệnh viện). Giai đoạn từ năm 2024 -2030 tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

5. Chuyển đổi số trong quản trị y tế

Triển khai nền hành chính y tế điện tử: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ tại cơ quan Bộ Y tế, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành. Ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử ở các cơ quan, đơn vị.

Tăng cường xây dựng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế kết nối hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Triển khai thống kê y tế điện tử thu thập số liệu hoạt động của ngành y tế trên cả nước. Hoàn thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biễn tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách y tế phù hợp.

ThS. Phạm Thành Đạt, Phó Trưởng phòng Y tế điện tử, Cục CNTT – Bộ Y tế trình bày dự thảo
Chương trình chuyển đổi số trong ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã tổng hợp một số kết quả đạt được như sau:

1. Hội thảo ghi nhận có khoảng 200 đại biểu tham dự, 12 báo cáo và tham luận, 10 đợt thảo luận trao đổi tại hội trường và qua các báo cáo, các tham luận, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia là rất cần thiết và việc xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành y tế là phù hợp và cấp bách cho nên chúng ta tổ chức Hội thảo này rất có ý nghĩa và có nhiều nội dung thiết thực, bám sát các nội dung, các hoạt động của ngành y tế.

2. Dự thảo Chương trình chuyển đổi số ngành y tế đã dự thảo đúng mẫu hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Mục tiêu cơ bản đầy đủ, rõ ràng, nhưng cần sắp xếp đưa mục tiêu đến năm 2025 lên trên, rồi đến tầm nhìn 2030. Mục tiêu chung thống nhất đưa nội dung hỗ trợ người dân lên đầu.

4. Các đại biểu cũng ghi nhận Chương trình chuyển đổi số ngành y tế được dự thảo trong thời gian ngắn nhưng tương đối đầy đủ và rõ ràng. Chúng tôi cũng ghi nhận các báo cáo tham luận và các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, ví dụ chúng ta tiếp tục bổ sung những ý kiến, những giải pháp về xây dựng một hệ sinh thái y tế đầy đủ do FHI đề nghị hay chúng ta bổ sung rõ hơn về triển khai đơn thuốc điện tử theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hay chúng ta cũng nên bổ sung xây dựng trung tâm điều hành y tế thông minh của Sở Y tế và của các bệnh viện (hiện nay đang lấy tên là hệ thống thông tin quản lý điều hành), chúng ta đã có báo cáo trong Hội thảo nhưng dự thảo chưa có và các tham luận khác về hạ tầng …., chúng ta sẽ bổ sung rõ hơn.

4. Dự thảo chuyển đổi số ngành y tế có 3 trụ cột chính, nên đề nghị phân công như sau: (i) Chuyển đổi số trong y tế dự phòng giao cho Cục Y tế dự phòng làm đầu mối; (ii) Chuyển đổi số trong khám chữa bệnh giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối; (iii) Chuyển đổi số trong quan trị giao cho Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế làm đầu mối; (iv) Cục Công nghệ thông tin sẽ làm đầu mối chung, và xây dựng thể chế.

5. Về thực trạng và bối cảnh chung thì một số ý kiến cho rằng nên bổ sung các bài học, khó khăn tồn tại của các giai đoạn trước, hiện nay Cục CNTT đang làm.

Cục CNTT ghi nhận tất cả các ý kiến, báo cáo tại Hội thảo để hoàn thành dự thảo Chương trình chuyển đổi số y tế.

Sau hội thảo này Cục CNTT sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình chuyển đổi số ngành y tế và sẽ tổ chức hội thảo phía Bắc và xin ý kiến chuyên gia và các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo, ban hành trước ngày 15/10/2020.

6. Về thành lập Hội tin học y tế để thúc đẩy chuyển đổi số y tế, Cục CNTT ghi nhận đóng góp, đề xuất của các đại biểu và mong muốn các đại biểu luôn đồng hành, ủng hộ để hội sớm được thành lập, và công bố tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng đề nghị:

1. Các Sở Y tế tiếp tục góp ý kiến với Cục Công nghệ thông tin bằng văn bản cho dự thảo Chương trình chuyển đổi số, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, thống kê y tế điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã phường, thị trấn.

2. Các Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu dự thảo và góp ý bằng văn bản gửi về Cục Công nghệ thông tin, đồng thời tiếp tục thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong bệnh viện theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin sẽ tổ chức lớp tập huấn cho trưởng phòng CNTT của 135 bệnh viện hạng I để nâng cao nhận thức, nắm bắt đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để kịp thời tham mưu cho giám đốc bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bảo đảm hoàn thành, xong trước 31/12/2023.

3. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế có những đóng góp cụ thể, xác thực cho chương trình, có nhiều giải pháp công nghệ, đặc biệt là có điều kiện, trường vốn lớn thì tiếp tục tạm ứng đầu tư cho ngành y tế, cho các bệnh viện để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, ghi nhận được nhiều đóng góp quý giá, ý tưởng hay giúp hoàn thiện chương trình chuyển đổi số ngành y tế sớm được phê duyệt và triển khai trên thực tế./.

Ban biên tập Web

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Để lại bình luận