Thị trường y tế số Việt Nam: Cơ hội cho các nhà đầu tư

Hệ thống bệnh viện tại Việt Nam

Mạng lưới bệnh viện ở Việt Nam khá rộng khắp. Có tổng số 1.531 bệnh viện, trong đó hơn 86% là bệnh viện công và gần 14% là bệnh viên tư, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. 1.318 bệnh viện công được quản lý theo hệ thống phân cấp, được phân loại theo tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc tuyến xã.

Mặc dù được thiết lập tốt nhưng các bệnh viện tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Hầu hết các bệnh viện công trong nước đã được xây dựng cách đây hơn hai thập kỷ, cơ sở hạ tầng đã cũ và lạc hậu, cần được nâng cấp.

Mặt khác, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ở các bệnh viện chuyên khoa sâu hay một số bệnh viện nổi tiếng đầu ngành. Số lượng bệnh nhân muốn được điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương quá đông do có đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sỹ tay nghề cao. Kết quả là các bác sĩ và y tá bị quá tải, phải phục vụ số lượng lớn bệnh nhân, làm việc nhiều giờ trong điều kiện căng thẳng với mức lương khá thấp.

Do đó, hệ thống bệnh viện tại Việt Nam cần được nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ. Những khoảng cách y tế hiện tại tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào để tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng dịch vụ.

Thị trường y tế số Việt Nam: Cơ hội cho các nhà đầu tư

Tiềm năng y tế Việt Nam nói chung và y tế số (digital healthcare) có thể thấy qua giá trị tăng trưởng của ngành này với tổng chi tiêu y tế hơn 17 tỉ USD năm 2019, tương đương 6,6% GDP (ước tính từ hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions). Công ty cũng dự báo rằng chi tiêu cho y tế vào năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD với mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm khoảng 10,7%.

Thị trường y tế số Việt Nam: Cơ hội cho các nhà đầu tư - Ảnh 1.

Theo kết quả đánh giá của Fitch Solutions, việc áp dụng công nghệ viễn thông vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, một phần là nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích tận dụng các dịch vụ viễn thông trong ngành y tế, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công đồng.

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến mục tiêu: “Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân”.

Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh từ xa…

Khu vực tư nhân cũng nhanh chóng tận dụng lợi thế của sự chuyển dịch sang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe số. Nhiều công ty khởi nghiệp đã nhảy vào lĩnh vực này ở Việt Nam trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Một số công ty cung cấp dịch vụ đặt lịch cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn với bác sĩ mà không cần đến bệnh viện, do đó giảm thời gian xếp hàng và nguy cơ lây nhiễm. Bệnh nhân có thể trao đổi và nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia y tế về các mối quan tâm sức khỏe.

Tương tự như vậy, các công ty y tế kỹ thuật số cũng có nhiều cơ hội góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe chất lượng cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn ở Việt Nam. Với dân số hơn 90 triệu người và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, tiềm năng ứng dụng CNTT trong y tế ở Việt Nam là rất lớn. Các startup hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng đó bằng cách tham gia giải quyết bài toán điện tử hóa công tác quản lý khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế.

Theo một báo cáo của YCP Solidiance, các bệnh viện tư nhân hiện có hệ thống quản lý y tế tương đối tiên tiến, hiện đại so với các bệnh viện công vì một số lý do. Các bệnh nhân có thu nhập cao hơn sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại và chất lượng cao hơn. Với số hóa là một lợi thế cạnh tranh, các bệnh viện tư nhân đã đẩy mạnh đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của họ. Các bệnh viện này được trang bị các sản phẩm và dịch vụ của các công ty công nghệ và thông tin hàng đầu như Oracle hoặc SAP với các hệ thống tiêu chuẩn hóa. Do đó, việc triển khai các công cụ số tại bệnh viện tư nhân ít phức tạp hơn so với các bệnh viện công.

Còn đó những thách thức

Mặc dù lĩnh vực y tế số ở Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng các rào cản về chính sách và khung pháp lý yếu vẫn tiếp tục là thách thức đối với các nhà đầu tư nước ngoài thiếu kinh nghiệm.

Thứ nhất là thói quen các bác sỹ, chuyên gia y tế và bệnh nhân trong việc sử dụng tài liệu giấy. Thứ hai, các quy trình hành chính rườm ra và phức tạp làm chậm việc áp dụng kỹ thuật số, ví dụ việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế quốc gia.

Thứ ba, các hệ thống CNTT y tế vẫn chưa chia sẻ dữ liệu người bệnh với nhau, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe. Các bệnh viện cũng sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với nhau sẽ là một thách thức tương đối lớn.

Thị trường y tế số Việt Nam: Cơ hội cho các nhà đầu tư - Ảnh 2.

Thực tế, lĩnh vực y tế số tại Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, vốn đầu tư thu hút được ít hơn đáng kể so với các lĩnh vực liên quan như thanh toán hoặc thương mại điện tử.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chương trình số hóa tại các bệnh viện và phòng khám trên cả nước. Các giải pháp thông minh đang được khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và công nghệ di động để giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện công và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Mới đây, Chính phủ đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi 2020 số 61/2020/QH14 gồm 7 chương và 77 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, nhằm khuyến khích đầu tư vào 5 lĩnh vực trọng điểm bao gồm y tế. Các dự án thuộc các lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ tín dụng.

Nhìn chung, các giải pháp này khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển.

TH (aseanbriefing)
(Nguồn: http://ictvietnam.vn/thi-truong-y-te-so-viet-nam-co-hoi-cho-cac-nha-dau-tu-20200929143457595.htm)

Để lại bình luận