Sáng ngày 29/12/2020 tại trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra phiên Chuyên đề Chuyển đổi số y tế trong khám và chữa bệnh nằm. Chuyên đề nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Hội nghị Chuyển đổi số Y tế Quốc gia – Điểm sáng 2020.
Chuyên đề có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vietsens Kim Ngọc Khoa, Tổng Giám đốc V-startup Nguyễn Thy Nga, cùng nhiều đại biểu đại diện các đơn vị doanh nghiệp, bệnh viện trên toàn quốc. Phiên chuyên đề tập trung thảo luận về tính tất yếu của chuyển đổi số Y tế trong khám và chữa bệnh, những bài học kinh nghiệm từ trải nghiệm thực tế của các bệnh viện và các cơ sở Y tế liên quan trong quá trình chuyển đổi số.
Tại chuyên đề, PGS.TS. Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết chuyển đổi số là vấn đề then chốt trong ngành y tế, phần lớn ngân sách được ưu tiên cho các bệnh viện và cơ sở y tế liên quan. Hiện nay, tại các bệnh viện 90% bệnh án giấy được thay thế bằng bệnh án điện tử, đồng nghĩa với quá trình chuyển đổi số trong các bệnh viện và cơ sở y tế đạt 70%.
Về vấn đề triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, ông nhấn mạnh rằng:
“Triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích, là xu hướng phát triển của thời đại, có đủ cơ sở pháp lý và hoàn toàn có tính khả thi.”
Đồng tình với Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế, ông Kim Ngọc Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vietsens cũng cho rằng triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành Y tế. Việc triển khai phần mềm bệnh án điện tử đã đem lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân và đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trong công tác khám, chữa bệnh.
Đi vào triển khai từ 2018, sau gần 2 năm, bệnh án điện tử bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp hạn chế sai sót trong việc kê khai thuốc, vật tư y tế và xét nghiệm. Theo khảo sát tại các bệnh viện ứng dụng bệnh án điện tử tỷ lệ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ tại Bệnh viện đạt trên 90%.
Theo đó, công nghệ thông tin trong y tế trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các startup phát triển. Đối với triển vọng của mô hình startup y tế thu hút nhà đầu tư, chuyên gia Nguyễn Thy Nga – Tổng Giám đốc V – startup cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế Việt Nam là điểm sáng và để Việt Nam trở thành điểm đến trong lĩnh vực, doanh nghiệp cần nắm rõ ba yếu tố trụ cột:
1. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích, luật sở hữu trí tuệ từ chính phủ;
2. Khung đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp; 3. Tinh thần sáng tạo từ mỗi con người trong tổ chức và xã hội. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo, chính phủ chính là chất xúc tác, còn giáo dục là nền tảng để tạo ra những con người có trí tuệ và khả năng. |
Chuyển đổi số y tế trong khám và chữa bệnh đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Để chuyển đổi số thành công, cần có sự chung tay của tất cả các ban, bộ, ngành, các đơn vị liên quan và đặc biệt là quần chúng nhân dân cùng chung tay đi vào đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thông tin thêm về chương trình Chuyển đổi số Y tế Quốc gia – Điểm sáng 2020: https://ehealthvietnamsummit.com/