Trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ như hiện nay, các dịch vụ ở hầu hết các lĩnh vực đều đã chuyển từ phương thức truyền thống sang điện tử, kể cả lĩnh vực Y tế. Điều đó đã mang đến giải pháp hiệu quả cho Y tế Việt Nam – nền y tế đang đối mặt với tình trạng quá tải khi dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ xa bùng nổ và mang lại hiệu quả tích cực.
Hệ thống khám chữa bệnh từ xa của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid đã gây áp lực lên nền y tế thế giới, đặc biệt là hệ thống y tế còn nhiều hạn chế như Việt Nam. Khi Covid bùng phát thì các bệnh viện, cơ sở y tế hằng ngày đóng vai trò chăm sóc sức khoẻ lại trở thành nơi có khả năng lây nhiễm cao hơn. Và chính Covid đã châm ngòi cho cuộc cách mạng công nghệ telehealth – công nghệ chăm sóc sức khoẻ từ xa. Đây không chỉ là giải pháp mang tính nhất thời mà sẽ là xu hướng tối ưu trong tương lai.
Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ xa là sự kết hợp giữa công nghệ và y tế, được cung cấp thông qua ứng dụng di động và máy tính, giúp người dân có thể khám chữa bệnh ngay tại nhà. Các chức năng phổ biến như đặt lịch khám, chẩn đoán bệnh từ xa, theo dõi bệnh án, thay đơn thuốc,.. và nhiều tiện ích khác. Thông qua phần mềm, tiền sử bệnh án sẽ được khai thác và bác sĩ sẽ dựa vào đó để chẩn đoán và đưa ra phương thức điều trị chính xác, hiệu quả. Nếu người bệnh chỉ mắc các triệu chứng thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn họ tự khám, uống thuốc ngay tại nhà. Nếu mắc các bệnh nghiêm trọng hơn, bệnh viện sẽ cử nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám hoặc sẽ đặt lịch khám trực tuyến với bác sĩ. Thay vì đến bệnh viện ngay khi bị bệnh thì khám sức khoẻ từ xa sẽ chẩn đoán sơ bộ xem người bệnh có cần đến bệnh viện hay không. Điều đó sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí của người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện.
Vào tháng 4/2020 Việt Nam đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa, đáp ứng 6 lĩnh vực gồm: Tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn KCB từ xa, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa. Nhờ đó, hệ thống KCB từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế đồng loạt được thực hiện, giảm số lượng người đến bệnh viện, tiết kiệm ngân sách nhà nước và chi phí cho người dân. Ngoài ra Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai giải pháp ứng dụng Bluezone áp dụng công nghệ định vị Bluetooth trên các điện thoại thông minh, giúp cơ quan y tế có thẩm quyền theo dõi và cảnh báo người thuộc nhóm tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Ứng dụng là công cụ hỗ trợ đắc lực và hiệu quả trong đại dịch.
Dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận song hệ thống y tế trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế khi cơ sở vật chất và nguồn lực không đáp ứng đủ, các dịch vụ trực tuyến chưa phổ biến rộng rãi, đặc biệt tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB. Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Theo ehealthvietnamsummit.vn